Được cho là Dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Nam Định, tương lai mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội cao gấp nhiều lần hiện nay. Tuy nhiên, Dự án Nhà máy gang thép 3 tỷ USD của Tập đoàn Xuân Thiện chưa nhận được sự đồng thuận cao của người dân đang nuôi trồng thuỷ sản tại Cồn Xanh, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hưng do những thiệt hại về kinh tế đối với người dân chưa được giải quyết và những lo ngại về ô nhiễm môi trường.
Dự án 3 tỷ USD xây dựng Nhà máy gang thép ven biển
Ngày 9/10/2021, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy gang thép số 1 của Công ty Cổ phần Xuân Thiện Nam Định. Quy mô dự án là xây dựng nhà máy gang thép với diện tích khoảng 341,11ha; công suất khoảng 6,0 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư dự án là 66.000 tỷ đồng.
Để triển khai dự án tỷ đô này, UBND tỉnh Nam Định đã ra quyết định thu hồi hơn 431 ha đất tại huyện Nghĩa Hưng. Dự kiến hết năm 2021 sẽ hoàn thành phương án đền bù, thu hồi đất để đến tháng 5/2022 sẽ bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Địa điểm thực hiện dự án là các xã Nghĩa Hải, Nghĩa Thành, Nghĩa Lâm thuộc huyện Nghĩa Hưng.
Ngoài dự án chính trên, nhà đầu tư này còn rót vốn vào 2 dự án khác cũng tại huyện Nghĩa Hưng là Dự án Nhà máy cán thép (vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, diện tích khoảng 28,05ha tại xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hưng có công suất khoảng 1,25 triệu tấn thép/năm, tạo thêm việc làm cho khoảng 800 lao động tại địa phương) và Dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn (vốn đầu tư 900 tỷ đồng, diện tích khoảng 57,80ha tại xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng, công suất khoảng 350.000 tấn/năm, tạo việc làm cho khoảng 400 lao động).
Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng của UBND huyện Nghĩa Hưng đang gặp khó khăn do sự phản ứng quyết liệt của người dân các xã Nghĩa Hải, Nghĩa Thành, Nghĩa Lâm thuộc huyện Nghĩa Hưng. Vậy nguyên nhân nào khiến dự án 3 tỷ USD này chưa nhận được sự đồng thuận của nhân dân?
Cần giải quyết những đòi hỏi chính đáng của người dân
Được biết, từ năm 1991, nhiều hộ dân đã ký hợp đồng kinh tế có thời hạn với UBND huyện Nghĩa Hưng để đấu thầu dưới hình thức tự bỏ vốn, khoanh vùng đắp đầm tận dụng mặt nước nuôi trồng thủy sản. Từ năm 1991 đến 1996, thời hạn thực hiện là 05 năm; sau đó giảm xuống còn 03 năm (từ năm 1997 – 1999); từ năm 2000 – 2009, thời hạn ký hợp đồng chỉ còn 01 năm. Việc người dân mở rộng nuôi trồng thủy sản ở Nghĩa Hưng đã khiến vùng đất này trở nên sôi động với hàng nghìn hộ làm nghề và tạo việc làm cho hàng chục nghìn người lao động từ dịch vụ nghề cá.
Ngày 19/12/2018, UBND tỉnh Nam Định đã có Quyết định số 2896/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế thuỷ sản và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Nam Định đến năm 2025 định hướng đến năm 2030. Theo đó, phát triển kinh tế thủy sản đảm bảo tính bền vững, hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng và nâng cao giá trị gia tăng; khai thác, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích lợi thế, tiềm năng về đất đai, mặt nước; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng cao trong ngành nông nghiệp gắn với việc tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, theo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dựa trên cơ sở áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; Mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Người dân các xã Nghĩa Hải, Nghĩa Thành, Nghĩa Lâm thuộc huyện Nghĩa Hưng yên tâm, phấn khởi dồn tiền đầu tư hàng trăm tỷ đồng, đổ mô hôi, công sức ra lấn biển, xây dựng các khu nuôi trồng thuỷ sản ven biển. Đến nay, Nghĩa Hưng đã được cấp 2 thương hiệu sản phẩm quốc tế là cá bống bớp Nghĩa Hưng và Ngao vạng Nghĩa Hưng. Đời sống nhân dân được nâng cao, yên tâm bám biển sản xuất, giải quyết việc làm, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tại khu vực Cồn Xanh (thuộc địa bàn các xã Nghĩa Hải, Nghĩa Thành, Nghĩa Lâm), có 03 dạng đất nuôi trồng thuỷ sản chính: Đất UBND huyện cấp đất theo dạng trang trại với tổng số diện tích khoảng 100ha; đất đấu thầu có thời hạn sử dụng 10 năm (đến năm 2019, một số hộ dân được ký đấu thầu tiếp với thời hạn 5 năm đến 2024) là khoảng 350ha; đất tự khai hoang, nuôi trồng thuỷ sản khoảng trên 30 năm (sau đó được UBND huyện Nghĩa Hưng cho nhận thầu khoảng 400 ha).
Tuy nhiên, tháng 9/2021, khi nông dân tiến hành nộp sản thì UBND huyện thông báo người dân dừng xuống giống mới và đến tháng 10 có Quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Nam Định.
Chia sẻ với phóng viên, anh N.V.C (sinh năm 1974, trú tại đội 4 xã Nghĩa Lâm) cho biết: “Cán bộ lập dự án không hiểu về quy trình nuôi trồng thuỷ sản, phải 3 năm mới có thể đánh bắt thu hoạch. Việc lấy đất của dân bất ngờ như vậy gây thiệt hại to lớn cho người dân…” và: “Về phần tác động môi trường, bà con rất lo lắng về việc có thể dẫn đến sức khoẻ nhân dân lâu dài, nhiều đời, khu vực rừng ngập mặn sẽ bị phá, cá, tôm, ngao, bớp sẽ chết hết…” – anh C bức xúc.
Cùng chia sẻ nỗi lo lắng như của anh C, ông N.V.T cho biết thêm: Từ hơn 20 năm nay, Dự án “Trồng rừng ngập mặn – Giảm thiểu rủi ro, thảm họa” được tiến hành liên tục do Hội Chữ thập đỏ Đan Mạch, Nhật Bản thông qua Hiệp hội Chữ thập đỏ – Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tài trợ với tổng kinh phí hơn 11,3 triệu USD. Đến nay, dự án đã đạt những kết quả tích cực, với ba loại cây: trang, đước và bần. Trong tổng số 24.000 ha rừng ngập mặn đã được trồng, hiện còn sống và có độ che phủ gần 9.000 ha, bảo vệ được gần 100km đê biển. Dự án đã góp phần hỗ trợ xây dựng cộng đồng an toàn, giảm rủi ro thảm họa, thiên tai cho người dân.
“Bây giờ xây Nhà máy gang thép ngay tại dự án như vậy, bao nhiêu công sức hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và người dân lại bị biến thành một dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao nhất là sản xuất gang thép. Tôi cũng chưa hiểu phía UBND tỉnh đã nghiên cứu kỹ về tác động môi trường và ảnh hưởng quốc tế của dự án này chưa?”, ông T. cho biết.
Còn bác N.T.K (xóm 8, xã Nam Điền) cho rằng: “Dự án này bị người dân phản đối vì hơn 10.000 lao động trực tiếp và phụ trợ sẽ thất nghiệp, không biết đi đâu về đâu nhưng lãnh đạo huyện không quan tâm, không hỗ trợ người dân. Cán bộ huyện nói nhà máy ở đây sẽ biến nông dân thành … công nhân, giải bài toán lao động dôi dư nhưng lãnh đạo không hiểu là hàng ngàn người dân đều trên 50 tuổi thì không thể đi làm công nhân. Trong khi đó, nếu tiếp tục canh tác nuôi trồng thuỷ sản vẫn có thể có công ăn việc làm, có thu nhập…”.
Có thể thấy, chủ trương của chính quyền tỉnh Nam Định nhằm tạo đà cho phát triển kinh tế – xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh là một chủ trương đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, từ những ý kiến của người dân nêu trên, có thế thấy UBND tỉnh Nam Định và huyện Nghĩa Hưng cần thực hiện tốt hơn công tác thông tin, tuyên truyền, vận động bà con nhân dân; nhất là cần phải có giải đáp, tiến tới giải quyết những thắc mắc, đòi hỏi chính đáng của người dân; hỗ trợ, bồi thường thiệt hại thỏa đáng cho người dân; từ đó người dân sẽ đồng thuận, ủng hộ Dự án sớm đi vào triển khai, vận hành.